Mua nhà ở cần tìm hiểu những gì

Chia sẻ tin:

Những điều cần chú ý khi tham khảo và mua nhà mà bạn cần nắm rõ.

Vị trí

Thật vậy, đối với nhà đất, vị trí là vô cùng quan trọng, bạn phải chọn được vị trí phù hợp với gia đình thì mới thuận tiện trong việc đi lại hàng ngày được. Không thể vì một số lý do mà bạn chọn một ngôi nhà quá xa nơi học tập của các con bạn hay quá xa nơi làm việc của các thành viên trong gia đình. Không nên vì thiếu tiền mà mua nhà ở nơi quá xa. Ngôi nhà chưa đẹp có thể sửa lại trong tương lai nhưng vị trí thì bất di bất dịch trừ khi bán đi và mua nhà nơi khác.

Hạ tầng, một ngôi nhà được gọi là tốt phải có đầy đủ hạ tầng phục vụ cho việc đi lại, hệ thống cung cấp điện, nước, gas,… đường sá phải thuận tiện đi lại, đường phải đủ lớn để đi lại dễ dàng cho sinh hoạt hàng ngày và cho một số việc khẩn cấp như chữa cháy, cứu thương,…

Tình hình an ninh

Khi quyết định mua một ngôi nhà, bạn cũng nên xem xét tình hình an ninh của khu phố mà bạn dự định sinh sống. Ở đó có thường xuyên xảy ra các vụ trộm cắp hay có nhiều tội phạm xuất hiện hay không.

Phong thủy
Trong phong thuỷ, người ta quan niệm “Trạch mệnh phải tương phối”. Trạch ở đây là đất, mệnh là người, trạch mệnh tương phối nghĩa là đất và người phải hoà hợp với nhau, không xung khắc.
Trong trạch có hai loại là Đông tứ trạch và Tây tứ trạch. Người cũng gồm hai nhóm là Đông tứ mệnh và Tây tứ mệnh. Quan niệm phong thuỷ cho rằng, người Đông tứ mệnh thích hợp ở khu đất Đông tứ trạch và ngược lại, người Tây tứ mệnh thì thích hợp ở khu đất Tây tứ trạch. Mệnh của người phụ thuộc vào tuổi, trạch của đất phụ thuộc vào hướng.
Trong phong thuỷ, người ta cũng quan trọng về hình thế đất. Khu đất phải nằm ở vị trí đẹp, bằng phẳng, phía tả là thanh long, hữu là bạch hổ, lưng phải “tựa sơn”, mặt phải “hướng thuỷ”. Đất phải nở hậu (chiều rộng đất phía sau to hơn phía trước). Phía trước mặt không nên có miếu mạo đền thờ, mồ mả, cột điện, cây, hay con đường cắm thẳng vào khu đất, cũng không tốt. Các quy định này thực tế khá phong phú, nên cần có một chuyên gia đến xem và hướng dẫn cụ thể mới có thể lựa chọn chính xác được.
Giá cả

Những người bán nhà thường xuyên nói giá cao hơn giá trị thật của nó. Vì vậy, đừng ngại ngần đàm phán hoặc thương lượng về giá cả. Ngoài ra bạn cũng nên tham khảo từ những người có kinh nghiệm hoặc thông tin từ internet để biết mức giá thị trường cho những ngôi nhà tương tự ngôi nhà mà bạn muốn mua.

Hàng xóm và lân cận

Câu nói bất hủ “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Câu nói vẫn luôn đúng với chúng ta ngay cả khi bạn ở chung cư, có được những người hàng xóm tốt bụng, vui tính giúp ích rất nhiều cho bạn trong cuộc sống.

Các hoạt động tập thể trong khu phố cũng rất quan trọng trong cuộc sống của bạn. Bạn có thể quan sát, hỏi thăm mọi người và đánh giá theo cảm quan xem liệu mình có phù hợp với khu vực, với những người này…, Nhiều người cũng hay lựa chọn nhà khi khu vực đó có người thân, bạn bè sinh sống. Bên cạnh các yếu tố khách quan thì việc có một không gian riêng thật thoải mái sẽ giúp bạn phát triển lâu dài cuộc sống gia đình mình. Vì thế, bạn nên xem xét khả năng tương tác trong tương lai từ ngôi nhà đó.

Cân nhắc cho tương lai

Mua nhà cần một khoản đầu tư rất lớn, cần nguồn tài chính ổn định. Bạn cần chắc chắn ngôi nhà sẽ phù hợp với những nhu cầu trong tương lai của bạn như lập gia đình, có con hoặc nghỉ hưu.
Giai đoạn thương lượng, đàm phán
– Tìm hiểu giấy tờ pháp lý của tài sản. Để biết giấy thật hay giả có thể bằng mắt thường xem dấu nổi và dấu đỏ cũng như nội dung in trên giấy có rõ ràng, sắc nét hay không. Dấu giả thường kém sắc nét, thậm chí nhòe nhoẹt, con chữ không ngay ngắn, đồng đều. Trong trường hợp gặp khó khăn trong việc đánh giá thật giả có thể nhờ người có chuyên môn như công chứng viên, cán bộ phòng tài nguyên môi trường.
– Kiểm tra tài sản trên thực tế và tài sản trên giấy chứng nhận. Nhiều trường hợp trên giấy chứng nhận ghi là nhà cấp 4 nhưng trên thực tế là ngôi nhà 5 tầng thì sẽ gặp khó khăn khi làm thủ tụcchuyển nhượng. Trường hợp này cần tìm hiểu việc cấp phép xây dựng.
– Cần tìm hiểu nhà đất chuyển nhượng có bị tranh chấp với hàng xóm liền kề hay tranh chấp giữa các đồng sở hữu hoặc với người khác. Để kiểm tra có thể hỏi tại UBND xã, phường, thị trấn, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn hoặc hỏi ngay những người sống liền kề…
– Nhiều trường hợp tài sản chỉ đứng tên một người (vợ hoặc chồng) nhưng nếu tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng thì khi chuyển nhượng phải có đầy đủ vợ chồng tham gia, ký kết. Nếu một người không có mặt ở địa phương như đang ở nước ngoài, đang chấp hành hình phạt tù… sẽ gặp khó khăn khi chuyển nhượng.
– Tìm hiểu ở Phòng công chứng xem tài sản có đang liên quan đến một giao dịch khác như đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh, ủy quyền… hay không? Nếu có, về nguyên tắc phải hủy bỏ những giao dịch này rồi sau đó các bên mới thực hiện được chuyển nhượng.
– Kiểm tra giấy tờ tùy thân có còn trong hạn sử dụng hay không (thời hạn sử dụng hộ chiếu là 10 năm, chứng minh nhân dân 15 năm năm kể từ ngày cấp), các giấy tờ khác như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân… có bị nhòe nhoẹt, cũ nát.
– Kiểm tra giấy chứng nhận có ghi nợ các khoản lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất… hay không bởi chủ tài sản chi được chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
– Kiểm tra việc mua bán có biểu hiện giấu giếm, vội vàng, giá cả mua bán có quá rẻ không?
– Tìm hiểu tài sản có liên quan đến bên thứ ba như hệ thống cống, cáp điện, cấp nước… Nếu có cần tìm hiểu các thỏa thuận trước đó của các bên về việc sử dụng chung hạ tầng này.

Lượt xem: 92 Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm

Bài Viết Đã Xem